Tường trình
chuyến đi
cứu trợ lũ lụt
miền Tây đợt II

Lê Thiệu Lương

  |  

V ào ngày thứ 3, 26.12.2000, đại diên của 2 nhóm VTT và NVTL lại lên đường đi Đồng Tháp để cứu trợ lũ lụt đợt 2. Phái đoàn gồm có:

  • Hai thành viên của nhóm VTT tại Đức
  • Một thân hữu của nhóm VTT ở Đức
  • Thân mẫu của một thành viên VTT tại Đức
  • Hai thành viên của nhóm VTT tại Việt Nam
  • Và một số đại diện của nhóm NVTL

Đặc biệt có một tập sự viên của nhà báo Tuổi Trẻ cũng ngỏ ý muốn và đã được chúng tôi đồng ý cho tháp tùng nhóm.

Lần này chúng tôi đã đặt 50 chiếc xuồng (được tặng thêm 2 chiếc, tổng cộng là 52 chiếc), mỗi chiếc trị giá 600.000 đ (gần 100 DM), để làm hiện vật cứu trợ (đối với người miền Tây, chiếc xuồng là phương tiện mưu sinh quan trọng nhất).

Khoảng 6 giờ sáng, sau khi tập trung và điểm tâm tại một quán ăn ở Quận I, chiếc xe cứu trợ 15 chổ ngồi bắt đầu lăn bánh trực chỉ Đồng Tháp.

Đoạn đường ban đầu khá tốt, nhưng càng đến gần Cao Lãnh thì càng xấu. Mặc dù khá mệt vì phải thức dậy sớm nhưng không mấy ai trong phái đoàn chợp mắt được vì con đường đất đỏ gập ghềnh đầy dẫy "ổ gà ổ voi".

Khoảng 11 giờ, xe chúng tôi đến Cao Lãnh. Vì thời gian còn khá dài (13 giờ mới bắt đầu phát xuồng), chúng tôi đã nhân tiện đi tham quan những thôn xã gần đó. Chạy ngang những ngôi nhà ven sông làm bằng cây lá tre lụp xụp (nhìn thoáng vào trong chả thấy chi ngoài 1 cái giường xiêu vẹo và 1 cái bàn gổ), tôi tự hỏi, không hiểu nếu mình phải sống ở đó chừng 2 ngày thôi, không hiểu mình có chịu nỗi không nhỉ ? Tôi được nghe kể tất cả nhu cầu nước như tắm rửa, nấu, vệ sinh v.v... đều do nguồn nước đục ngầu màu phèn đó cung cấp. Nếu đem so sánh miền Trung với miền Tây, thì có thể nói người miền Tây dù gì cũng có sông nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên chung để mưu sinh cầm cự qua ngày, nhưng cuộc sống thì cũng nghèo đói cực khổ không khác chi ở các thôn quê miền Trung. Được biết thêm là đa số trẻ em ở đây ít ai có phương tiện hay có nhu cầu đi học. Cái vòng nghèo dường như không có cửa ra.

Khi đến thăm một "Trường tiểu học" chỉ có 1 phòng học lụp xụp, điều tôi ngạc nhiên là mặc dù cô giáo chưa đến, nhưng các em rất ngoan ngoãn lể độ, không tinh ranh như đa số trẻ em Saigon. Thế mới thấy câu nói "Người miền Tây chất phát" quả không phải là không có căn cơ.

Đến nơi phát xuồng tại xã Mỹ Hoà vào lúc gần 11 giờ, chúng tôi thấy bà con đã đến khá đông đủ, hầu hết là các cụ già và trẻ em (không hiểu các thanh niên bận đi làm kiếm sống hay đi đâu hết cả ?). Sau khi đại diện nhóm phát biểu vài lời giới thiệu sơ về 2 nhóm VTT và NVTL, chúng tôi bắt đầu phụ giúp vào việc phát xuồng. Thật cảm động khi nhìn thấy những cặp mắt hân hoan và tràn đầy tình cảm của các cụ, các em khi vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Điều trước đây tôi lo ngại nhất là những chiếc xuồng ít ỏi của chúng tôi có được phát đúng đối tượng hay không. Nhìn những ánh mắt đầy chất phát ấy, những thân thể gầy còm đen đủi ấy, tôi nghĩ "Nếu họ không đáng được giúp thì ai mới đáng chứ ?". Tuy nhiên, chúng tôi không thể nào kiểm soát được đó là những hộ nghèo nhất và đáng được giúp nhất trong xã. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng những hộ không có tên trong danh sách nhưng nghĩ là mình lẽ ra phải có tên sẽ đến ngay chổ cứu trợ để khiếu nại với chúng tôi như những lần cứu trợ khác. Lần này thì không thấy ai khiếu nại, mặc dù có 1 số người chỉ đến xem mà thôi.

Địa điểm phát xuồng thứ 2 là trạm y tế của xã Mỹ An. Tới đây chúng tôi đã mệt nhoài, phần thì nóng bức, phần thì chưa ăn trưa, lại phải lội bộ vào con đường khá xa, nhưng khi thấy được sự vui mừng bộc lộ rõ rệt và những câu nói chất phát nhưng chứa chan tình cảm của những người được nhận xuồng, cơn mệt như tạm thời tan bay.

Đến 4 giờ, chiếc xuống phát cuối cùng cũng được đẩy ra sông. Cơn mệt và đói lại quay trở về, chúng tôi vội vã lên xe đi kiếm quán ăn. Sau bửa cơm chuột đồng nhạt nhẻo nhưng vui vẻ, chiếc xe cứu trợ lại lăn bánh quay về Saigon. Trên đường về, tiện thể chúng to ợ ghé ngang cầu Bắc Mỹ Thuận mới xây để xem thử, mặc dù khi đến đó vì mệt quá nên tôi chỉ thấy nó trong mơ .. 

Đức , ngày 25.02.01

Close


Bạn tìm đến nhóm thiện nguyện VTT qua
www.tuoitre.org, tuoitre.org, www.tuoitre.de hoặc tuoitre.de.
Mọi ý kiến đóng góp xin bạn hãy liên lạc với chúng tôi qua lienlac@tuoitre.org.