Tường trình
chuyến đi
cứu trợ lũ lụt
miền Tây đợt I

Tại:
Tân Mỹ
huyện Thanh Bình
tỉnh Đồng Tháp
(ngày 29.10.00)

Đoàn Ngọc Diệp

  |  

L ần cứu trợ bão lụt miền Tây này khác với lần cứu trợ bão lụt miền Trung năm 1999 là vì có sự kết hợp giữa nhóm VTT và nhóm NVTL - Nối Vòng Tay Lớn - một nhóm bạn trẻ thiện nguyện khác.

Chúng tôi đã ngược xuôi phân công nhau mua đường, gạo và mượn được xe Bus 12 chỗ ngồi của các Tấm Lòng Vàng Mạnh Thường Quân tại Sàigòn. Nhờ vậy chúng tôi chỉ lo xăng nhớt cho cả chuyến đi.

Rạng sáng ngày chủ nhật 29 tháng 10 năm 2000 chúng tôi đã tụ họp lại những thành viên đại diện của cả hai nhóm VTT và NVTL và phát xuất xuôi về miền Tây làm công việc thiện nguyện cứu trợ.

06:00 AM:  Các bạn gặp nhau trong lòng rạo rực chuẩn bị đi cứu trợ với 100 phần quà trị giá mỗi phần 125.000 đồng VN. Vị chi là 20 Đức Mã với 5 ký gạo, 1 ký đường và 100.000 đồng VN tiền mặt. 

07:00 AM: Đã tới Long An, khoảng đường vừa trải qua cam go của ổ gà. Nhiều bạn không quen đi xe lại gập ghềnh khập khiểng khiến buồn nôn, chóng mặt. Hà, thành viên VTT VN đã khó nhọc buông lời đòi về. Mọi người đã động viên Hà, cô như nắm lấy lại tự chủ và kiên lòng theo nhóm.

7:15 AM:  Xe tiếp tục lăn bánh chưa được 15 phút, chưa hết một đỗi đường thì Thu Trang, thành viên NVTL mặt xanh như tàu lá. Mọi linh hồn đầu tôm xương cá của bữa cơm chiều ngày hôm trước thi nhau leo ra khỏi cửa miệng Thu Trang còn vẫy tay trêu chọc. Mà Thu Trang còn biết chi nữa đâu, chỉ còn nguyện một lòng trả ba hồn bảy vía lũ súc sinh về với cõi không khí mà không màng giam chúng giữa bốn bức thành bao tử.

8:30 AM:  Chiếc xe bus màu trắng (xin xem hình) đã bắt đầu ngã màu cháo lòng vì vương bụi, lê bốn bánh nặng nhọc  đến địa phận Cái Bè - Tiền Giang, ở đây chúng tôi nhìn thấy nước đã rút được khoảng 6 tấc nhưng vẫn còn mấp mé hai bên đường lộ. Vườn cây hai bên đuờng có nhiều cây bị rủ lá do ngâm nước quá lâu. Những cảnh tượng quái đản đã bắt đầu đập vào mắt chúng tôi khi tia nhìn dừng lại ở những bức tường nhà đóng trắng xám do mực nước trước đây dâng lên rút xuống để lại  sự hũy hoại ghê tợn. Hướng về phía xa kia chúng tôi chỉ thốt ra được ba chữ: "một cõi nước."

9:00 AM:   Xe dừng. Mọi người thở phào nhẹ nhỏm vì cơ hội dâng trào được giải thoát. Chúng tôi bước vội về một hàng nước bên đường, kẻ gục đầu, người nằm lăn trên chiếc giường tre của cô chủ quán. Chúng tôi ngước nhìn vẽ tươi tắn của cô chủ quán như tìm kiếm....cô như hiểu ra và hướng tia mắt về phía cái cầu khỉ quen thuộc đã bảy phần chìm mình trong đáy nước. Cái chuyện vệ sinh cá nhân thường nhật bổng trở thành một hành động lạ kỳ, mất cả thuần phong mỹ tục. Mọi người được dịp nghỉ xả hơi nên tranh thủ "gục". Chỉ còn chúng tôi ngồi đếm cái nghèo của quê nhà theo từng giọt Càfê đắng.

10:00 AM: Rốt cuộc hai nhóm chúng tôi cũng đến được nơi "an toàn". Đó là thị xã Cao Lãnh, thủ phủ của Đồng Tháp. Chúng tôi vội kiếm đại diện của tỉnh Đồng Tháp để họ sơ lược tình hình thiệt hại ở tỉnh. Chúng tôi xin phép đại diện hai nhóm VTT và NVTL trình bày các hoạt động của hai nhóm và số tiền, quà  sẽ ủng hộ cũng như chi tiêu. Sau khi han hỏi người dân tại vùng, chúng tôi được biết chưa bao giờ nước lại đỗ về khủng khiếp như vậy. Ngay trụ sở xã, có thể gọi là một vùng đất cao, mà cũng đã bị ngập lên hơn 2 tấc. Xe hơi, xe gắn máy, xuồng ghe tam bảng cứ thế mà xé nước giao thông. Ngẫu hứng có một anh khôi hài như vầy: "Khi gặp ngả tư lúc đèn đỏ thì chỉ có ghe  "ngang nhiên" mà đi còn các xe khác dừng bánh vì trên luật lệ thì làm gì có luật giao thông đường bộ dành cho xuồng bè".

Mọi người ở địa phương nơi đây tỏ ra ngạc nhiên khi 2 nhóm chúng tôi là những bạn trẻ vì thông thường thì các đoàn đều do người đứng tuổi đứng ra tổ chức. Chúng tôi mỉm cười khiêm nhường nhưng hình như đâu đây thoang thoáng niềm kiêu hãnh lẫn trốn sau những ánh mắt sáng rực vì hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi vì mình đang làm một việc tốt.

11:00 AM:  Nghỉ ăn trưa. Lúc này chúng tôi tranh thủ gọi phone về miền Trung cho thành viên chúng tôi. Thì được cho biết là ngoài đó cũng đang ngập lai láng do những ngày qua mưa quá nhiều lại thêm các đập nước xả lũ khiến một lượng nước khổng lồ lại bò về thành phố. Chúng tôi ghi nhận và xót xa.

12:00: Hai nhóm chúng tôi bắt đầu hành trình tiếp tục về thị xã Tân Mỹ, nơi sẽ phát quà của nhóm đến với đồng bào bị nạn. Đường đi ngày một khó khăn hơn. Chiếc xe từ trắng sang cháo lòng và từ cháo lòng đã thành màu nâu xám xịt của đất và bùn như nghiến răng đối diện với một thực tế loang lỗ, một thực tế của ổ gà tròng trẹo cố lách mình nghiêng ngữa mà tiến tới theo định mệnh không thể biết trước. Hai bên lề đường những chiếc bao cát được đấp nối đuôi nhau thành một khoảng dài  như bờ đê miễn cưởng với tử sinh của triều cường. Nước! đã tràn qua thân các bao cát to kềnh chảy xiết. Mọi giao thông đường bộ phải đình chỉ vì phương tiện giao thông chính bây giờ bổng nhiên là ghe xuồng tam bảng.

Những dãy nhà lụp xụp, tiều tụy của bà con chạy lũ ở hai bên đường mặc nhiên với số phận đã đập vào mắt chúng tôi như báo trước một thảm cảnh nghiệt oan. Sau đó chúng tôi được biết là họ đã ở đây hơn một tháng rồi, hơn một tháng trời của sương, gió , mưa và nắng được chống chọi bởi những thanh tre và xác lá khô yếu ớt. Họ sống được nhờ những đợt cứu trợ như chúng tôi đây. Chúng tôi cảm thấy đau xót cho số phận của họ và không dám tưởng tượng rằng họ còn cầm cự được bao lâu ? 

1:00 PM: Đến địa phận xã Tân Mỹ huyện Thanh Bình. -Tại huyện Thanh Bình đã có đến 22 người chết mà trong đó có 19 trẻ em, 1700 hộ bị ngập, 2557 hộ phải di tản. Huyện nhà sở tại đã bỏ ra 4 tỉ đồng VN để thiết bị đê bao cát nhưng không giới hạn được thiệt hại. Nhóm chúng tôi là nhóm thứ 71 có mặt tại huyện này. Huyện đã nhận được 3.6 tỷ đồng VN tiền cứu trợ từ quần chúng và chính phủ đó là chưa kể các khoản tiền không nhỏ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Xã Tân Mỹ có 1870 hộ và 8764 nhân khẩu. Về thiệt hại thì xã có một cháu bé chết, 533 hộ phải di tản.

1:10 PM:  Đường đến xã phải qua chiếc cầu khỉ lỏng chỏng. Chúng tôi phải tháo giày, vớ thì vất vào túi đứng ngay đầu cầu để giúp các bạn trong nhóm bước sang. Rất may mắn là không ai bị rớt xuống nước để thi lội với cá. Chúng tôi sửa soạn lại xiêm y để tề chỉnh đón chào bà con.

1:20 PM: Theo chương trình chúng tôi sẽ phát quà cứu trợ vào lúc 13:00 PM nhưng trước trụ sở xã đã có tất cả những ánh mắt chờ đợi tự bao giờ; hỏi ra chúng tôi được biết những người đứng đây đã đợi từ lúc  7 giờ sáng  mặc dù giấy gọi của xã là 9 giờ ??? Chúng tôi tự dưng cảm thấy mình bé nhỏ vì những phần quà bé nhỏ của mình.  Bà con đã đứng đợi hơn 4 tiếng đồng hồ, thay phiên nhau đợi vì sợ mất chỗ, mất quà...phải đợi trong khi bụng đã đói meo. Thật đau xót.

Các phần quà cứu trợ của chúng tôi được chuyền tận tay từng người, từng người một với một sự cẩn trọng dưới ánh mắt  cảm thông và chia xẻ. Chúng tôi không giấu được cảm xúc khi một người mẹ già nói với chúng tôi với giọng run run rằng: " Tui nói thật với cậu, với số tiền này tui có thể sống được nửa tháng đó ".  Ôi, đôi bàn tay gầy guộc nhăn nheo không giữ nỗi một phần quà nhỏ bé của những người tha hương thì làm sao chống cự được với cơn lũ nghiệt oan này.

Trong lúc thăm hỏi và chia xẻ cảm thông với bà con nơi đây, chúng tôi bước tới nắm tay một em bé và hỏi:

- Con học lớp mấy rồi ?
- Con chỉ phụ giăng lưới, hông có đi học gì hết.

Cổ họng tôi chợt thấy khô lạ, tôi hỏi tiếp một em đứng cạnh:

- Còn con thì sao ?
- Trường thì xa, tập sách thì mắc mỏ, tiền đâu mà mua cho nó đi học. 

Người mẹ của cháu bé đứng cạnh trả lời giúp như cay đắng cho số phận nghèo của định mệnh.

Chúng tôi chợt miên man lo nghĩ về một sự tụt hậu mà người dân nơi đây sẽ phải gánh chịu.

2:30 PM: Chúng tôi ghé thăm nhà chị Chịu. Một người phụ nữ mang tật sống chung với 3 đứa trẻ mà hai đứa đã phải nghỉ học vì mưu sinh và phụ mẹ chửa bệnh.  Có lẽ người chồng thất chí và không chịu đựng nỗi tình trạng khốn khó tột cùng nên đã bỏ đi từ lâu. Tại đây chúng tôi trao quà và chia xẻ tâm sự của chị, động viên chị. Thế nhưng khi quay lưng đi thì một thành viên của chúng tôi đã ướt đẫm khóe mắt vì biết rằng tương lai của gia đình chị như chiếc đèn dầu leo lét trước gió chực chờ bị dập tắt.

3:00 PM: Xuồng máy lại rẽ nước đưa chúng tôi đến một hoàn cảnh khốn cùng khác.  Lênh đênh trên nước, một cảm giác rờn rợn khó tả đã hiện lên trên khuôn mặt những kẻ thành phố chúng tôi. Vì mênh mông là nước. Và chính nước đã đẩy bật những chiếc giường tre ghép nối thêm cao để vòi lên khỏi mặt nước gần sát nóc nhà đề tìm sự sống.

Một người đàn ông mù phân nửa đã ra đón chúng tôi. Ngôi nhà của ông đã bị chìm gần hết nóc. Cái chòi bên cạnh vừa đủ cho vợ chồng ông cùng với 3 đứa nhỏ. Nó trông giống như một cái chuồng bồ câu thật sự với những con bồ câu không chỉ rách nát ở tâm hồn.

4:00 PM: Chia tay với thị xã Tân Mỹ, trở về thị xã Cao Lãnh mà đôi chân trở nên nặng trĩu nhưng đầu óc lại trống vắng như không tìm thấy một giải đáp thỏa đáng nào cho bài toán hoàn cảnh  nghiệt ngã của định mệnh những kẻ khốn cùng.

5:00 PM: Chiếc xe trở nên trống trải lạ khi những tâm hồn thành viên bổng tư lự thu nhỏ lại dưới tâm sự của mỗi người. Chúng tôi đã cố gắng quay xe trở về  đến hướng cầu Bắc Mỹ Thuận như mong tìm chút ánh sáng hi vọng của đô thị. Dẫu sao nơi đây vẫn còn có chiếc cầu hùng vĩ chơi vơi giữa miền sông nước. Dù lặng thinh nhưng nó đã góp phần cho công cuộc phục hưng tại quê nhà.

Tại  đỉnh cầu Bắc Mỹ Thuận, chúng tôi thầm cầu mong cho bà con đồng bào hiền hòa, hiếu khách và chất phác được muôn sự tốt lành, tai qua nạn khỏi trong khi  khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh đèn màu và náo nhiệt.

Sàigòn 30.10.00

Close


Bạn tìm đến nhóm thiện nguyện VTT qua
www.tuoitre.org, tuoitre.org, www.tuoitre.de hoặc tuoitre.de.
Mọi ý kiến đóng góp xin bạn hãy liên lạc với chúng tôi qua lienlac@tuoitre.org.