Có Một Góc TrờiTác giả: SaiGon, 05.2003 |
Tôi trở lại nơi ấy, căn nhà lá lụp xụp cheo leo giữa miền sông nước
của người phụ nữ bất hạnh mà ba năm về trước đã có lúc tôi phải cố
kìm chế cảm xuc của mình để không làm tả tơi thêm một cảnh đời tơi tả.
Ba năm trôi qua... Trước mặt tôi hình ảnh người phụ nữ gầy guộc xanh
xao với khối u to tướng trên khuôn mặt ràn rụa nước mắt ngày xưa giờ
đây đã được thay thế bằng
bức di ảnh trên chiếc bàn thờ lạnh lẽo kia. Căn nhà vẫn thế, ọp ẹp chông chênh trống trước hụt sau như thuở nào, có khác chăng là đồ đạc trong nhà giờ đã được chuyển đổi vị trí. Nơi đặt chiếc võng màu xanh lá cây cho người bịnh năm nào giờ là cái bàn gỗ kê chiếc ảnh thờ của chị. Tài sản đáng giá nhất giờ đây của ba đứa trẻ mồ côi là chiếc giường tre cũ kỹ được kê sau lưng cái bàn thờ. Trên sàn gỗ sần sùi ọp ẹp quanh bàn thờ người phụ nữ xấu số, chị Năm An, người dì ruột của ba đứa trẻ nhà ở gần đó xúc đọng kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh đáng thương của tụi nhỏ...Cách đây hai năm, căn bệnh ngặt nghèo bởi khối u độc địa ăn sâu vào vòm họng mỗi ngày đã mang người phụ nữ tuổi ba tám bị chồng bỏ rơi cùng với nỗi quắc quay cơm áo gạo tiền đi vào chốn vĩnh hằng. Người đàn ông của chị đã nhẫn tâm không một lần về thăm gia đình kể cả cái ngày vợ nhắm mắt xuôi tay. Tôi nghe lòng rối bời khi biết được bé Thanh Hùng, đứa con trai đầu c?ủa chị Triệu đang học lớp chín giờ đây sắp có nguy cơ bỏ học vì nhà quá túng thiếu "gạo còn không đủ ăn nói chi đến chuyện học hành". Tuổi mười bảy bươn chãi gánh gồng. Tuổi mười bảy một buổi đi học, buổi còn lại đi vác lá, vác gạch mướn để kiếm tiền đong gạo nuôi em. Người dì, người cậu và hàng xóm xung quanh ai cũng nghèo nên có thương cũng chỉ giúp được phần nào cho các em thôi. Con bé thứ hai Nguyễn thị Hồ Văn phải nghỉ học từ hơn ba năm trước để ở nhà săn sóc mẹ bịnh. Sau ngày mẹ mất em đã nghỉ học luôn và bây giờ đi ở mướn cho người ta bên Cồn. Xĩót xa thay cho cái tuổi mười sáu côi cút mưu sinh, tuổi mười sáu nhọc nhằn cơm áo. Bên cạnh tôi, thằng bé út Nguyễn Chí Linh nhỏ nhắn hiền lành đang cúi đầu lặng lẽ. Đôi mắt trong trểo của đứa trẻ mười ba dần to hơn khi được tôi cho xem lần lượt những tấm hình của mẹ, của anh chị và của chính nó cách đây ba năm. Nét mặt nó ngây ra, nhìn chăm chăm vào những bức hình rồi lại nhìn tôi không giấu được nổi ngạc nhiên. Phút chốc, ký ức về mẹ hình như đang giẫy giụa trong nó. Mắt nó chớp chớp liên tục rồi lại cúi đầu lầm lũi. Bờ vai nhỏ nhắn ấy khẻ rung lên khi tôi quàng tay qua thủ thỉ động viên: "Gắng học lên nghe con, ráng lên. Bây giờ mẹ mất rồi anh em cố yêu thương, đùm bọc nhau mà sống. Con ráng học cho giỏi mai này nếu có điều kiện các cô, các chú lại về giúp thêm cho". Niềm xúc đọng lung linh trên khuôn mặt nhỏ nhắn hiền lành của em trong khoảnh khắc này đây nhắc tôi nhớ hình ảnh ba năm về trước. Nếu những giọt nước mắt ngày xưa của đứa con trai đầu là sự quắt quay với nỗi đau bịnh hoạn và bị chồng ruồng rẫy của mẹ, là nỗi xót xa của đứa con không cha như nhà không nóc thì những giọt nước mắt của đứa em út hôm nay có là nguyên vẹn niềm tủi nhớ, đau đáu nỗi xót thương... Lặng lẽ quanh tôi, niềm xúc động cảm thông đang long lanh trong từng khoé mắt... Tạm biệt căn nhà lá trơ trụi chông chênh miền sông nước tôi nghe man mác một nỗi buồn. Người phụ nữ bịnh hoạn ngày xưa giờ không còn để rưng rưng tiễn khách... Bé Chí Linh chèo xuồng đưa chúng tôi qua sông. Bóng em nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất hẳn... Có chút gì vương vấn sau lưng khi chiều chưa tắt hẳn... Tôi chạy ngược về phía bờ sông để tìm lại bà cụ Sáu ban chiều, bà cụ tám mươi bốn tuổi đã đích thân chèo xuồng đưa chúng tôi sang nhà bé Chí Linh. Trên con xuồng chòng chành củ kỹ, thân thể bà cụ gầy guộc lom khom lọt thỏm trong vòng tay tôi. Đôi bàn tay gân guốc chai sạm run run trong tay tôi khi nhìn được chút quà nhỏ cho tôi nghe rưng rưng niềm thương cảm. Dưới vành nón tả tơi như không còn có thể tả tơi thêm được nữa, nụ cười móm mém đôn hậu trên khuôn mặt hom hem khắc khố của bà cụ cho tôi kịp nhận ra chút sắc màu long lanh của những giọt nước mắt khô không kịp chảy thành dòng. Tôi bắt gặp nơi ấy nét đôn hậu hom hem của nội tôi ngày trước. Cám ơn những khoảnh khắc chợt đến cho ký ức của mình vùng vẫy... Tôi thủ thỉ: "Bà ơi, bây giờ bà có mong ước điều gì không hả bà ?" . Bà cười móm mém trên vai tôi: "Mong ước hả ? Bà không có mong ước chi hơn. Ngày hôm nay bà may mắn lắm rồi, cầu Phật từ bi độ cho con". Tôi chợt nghĩ, những mơ ước phải chăng giờ đây đã mỏi cánh ở cái tuổi tám tư một thân một mình không con cháu. Những muốn mong phải chăng giờ đây đã cạn kiệt trong tâm can bà cụ chết chồng năm 75 để một đời chơi vơi miền sông nước. Tôi không giấu được nỗi băn khoăn của mình: "Bà ơi, vậy những ngày mưa gió, lũ lụt hay bịnh hoạn, bà không chèo đò được thì tiền đâu mà ăn ? Ai lo cho bà những lúc đó ? Tối về bà ngủ ở đâu ?". Bà lắp bắp nghẹn ngào: "Mỗi ngày bà kiếm được khoảng bốn, năm ngàn, một ít để mua gạo, còn lại thì dành dụm đó, hôm nào bịnh thì nhờ con bé bán dầu bên kia nấu cho miếng cháo, tối về bà ngủ trên chiếc ghe đằng kia kìa". Vừa nói bà vừa chỉ tay ra xa ... Tôi nghe lòng trĩu nặng, chợt nhớ lại những giây phút liều lĩnh ban chiều khi cả bốn người chúng tôi cùng bước lên chiếc xuồng chòng chành nhỏ bé này để vừa ngồi vừa nơm nớp: "chèo nổi không bà ơi ?" và nghe bà cụ tuổi tám tư bình tỉnh trấn an: "được mà, được mà không sao đâu". Bất chợt, tôi tưởng tượng ra một ngày nào đó, giữa sông nước mênh mông lỡ như gặp mưa to gió lớn bất ngờ liệu tuổi già kia có ghì gượng nổi mái chèo... rồi vụt ước ao giá như ở cái miền sông nước bao la này có một nhà dưỡng lão để ít ra những khi trái gió trở trời... Tôi đem ưu tư ấy rót vào tai bà: "Bà ơi, bây giờ nếu như có ai đó muốn đem bà về nuôi, bà có đi không hả bà ?". Bà lại cười móm mỉm: "Bà không đi đâu, bà ở đây chèo đò mỗi ngày quen rồi, với lại bà còn người em sống bên kia sông, cũng làm ruộng cực lắm nên bà không muốn đi đâu cả"... Chia tay bà cụ trong buổi chiều xuống vội, tôi bước nhanh lên bờ, đi mà như chạy. Mưa lất phất đằng trước... Gịong bà vẫn run rẫy sau lưng: "Thôi con về nghe, cầu Phật từ bi độ cho con"... Chiếc xuồng máy băng băng rẻ nước đưa chúng tôi về bên kia Cồn Én. Ra đón chúng tôi là ông cụ đã ngoài bảy mươi với một bên cánh tay áo rách bươm trông đến nao lòng. Trong căn chòi ẩm thấp của người con trai ông cụ tần ngần với mong muốn giản đơn "có gạo để ăn là quí lắm rồi chứ không dám có mơ ước, nhu cầu gì hơn". Thật là xót xa cho cuộc sống với mặc cảm ở nhờ con cái của cụ già kia để rồi có những hôm người con đi làm về có chút rượu vô lại đập phá đồ đạc rồi chửi mắng ông. Theo chân ông Mười và người hàng xóm ra phía nhà sau, tôi gặp bà cụ đang nằm mê man trên giường. Chúng tôi phải lay gọi mãi bà mới tỉnh một chút rồi lại tiếp tục nhắm nghiền mắt, lăn lộn kêu mệt và thiếp đi. Không có con trai ở nhà, người hàng xóm chạy kêu cậu cháu của bà ở gần đó sang. Anh cho biết bà cụ bị bịnh tim nn hay làm mệt, lại khó tính quá nên ở riêng một mình tự lo nấu ăn không chịu để ai săn sóc cả. Cầm bàn tay vàng vọt hâm hấp nóng của bà cụ, tôi nhìn thấy giọt nước mắt đang ứa ra và chảy dài trên khuôn măt bịnh hoạn kia. Gịot nước mắt của sự đớn đau mệt mỏi ? giọt nước mắt của niềm xúc động hay giọt nước mắt của tủi hờn đơn độc ?... Chiều sắp tắt... Chia tay ông bà cụ tôi chỉ còn biết thầm mong lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng và tình yêu thương đủ lớn trong lòng con cháu của ông bà cụ kia để ít ra sẽ có được cái ngày nỗi buồn đau, niềm cô đơn tuyệt vọng của tuổi già không còn nơi ngự trị.... ... 6 giờ chiều. Từ thị xã Cao Lãnh, chiếc xe đò cọc cạch đưa chúng tôi trở về thành phố chở theo bao khắc khoải về một buổi chiều trên bến sông Tân Mỹ ... Một sáng Sài Gòn... ngồi quán Tuấn Ngọc nhìn từng giọt cà phê rơi mà nhâm nhi "Riêng một góc trời" ... ngờ đâu ... một góc trời nơi ấy, có những số phận giờ đây đang chơi vơi, chẳng phải chông chênh tuyệt vọng trong tình yêu... một góc trời có bà cụ chèo đò chơi vơi miền sông nước, một góc trời người mẹ đã xa xôi để những đứa trẻ mồ côi sớm vất vả chơi vơi... Tôi đã xa xôi... Em vẫn chơi vơi... riêng một góc trời... |
Bạn tìm đến nhóm
thiện nguyện VTT qua www.tuoitre.org, tuoitre.org, www.tuoitre.de hoặc tuoitre.de. Mọi ý kiến đóng góp xin bạn hãy liên lạc với chúng tôi qua lienlac@tuoitre.org. |