Đặc San
Tình Thương 3

 

  |  

 
- Hạnh Phúc Không Tên -

Cuốn Đặc San Tình Thương 3 - Hạnh Phúc Không Tên - chắc chắn sẽ không thể phát hành để ra mắt quí độc giả nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ cũng như đóng góp bài viết của các Thầy Cô, các Bác, các anh chị khắp nơi trên thế giới. Thay mặt nhóm thiện nguyện VTT & NVTL (Nối Vòng Tay Lớn), chúng tôi xin chân thành cảm tạ lòng ưu ái của quí Thầy Cô, quí Bácanh chị dành cho hai nhóm trong việc thực hiện cuốn đặc san này.
Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn trung tâm in ấn, Druck Team KG, Regensburg đã quan tâm và tạo nhiều thuận lợi cho sự ra đời cảa đặc san Tình Thương.

Rất mong được đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình cảa quí độc giả!

Thân kính
Ban Biên Tập

Hạnh Phúc Không Tên

Trở lại miền Tây vào một ngày cuối đông nhưng tôi nghe lòng mình thật ấm cúng. Những ánh mắt thân thiện, những nụ cười rạng rỡ lẫn những giọt nước mắt mừng vui "thay lời muốn nói" đang ngời lên mắt môi những người dân hiền hòa chất phác nơi đây cho tôi trôi trong niềm hạnh phúc để bất chợt giật mình: hạnh phúc thật giản đơn!

Tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, nơi chúng tôi dừng chân trước tiên là trường tiểu học Tân Kiều 2. Có lẽ đây là lần đầu trong đời tôi chứng kiến một trường học thảm như thế. Nói là trường nhưng thực chất nơi đây chỉ có một căn phòng lụp xụp duy nhất được dựng bằng những tấm ván cũ kỹ với cánh cửa đã không còn nguyên vẹn. Cũng căn phòng này đây, buổi sáng dành cho lớp bốn, buổi chiều dạy lớp 3. Các em học sinh đang chơi ngoài sân nghe nói được phát quà vội vã ùa vào lớp, ngồi chỉnh tề ngoan ngoãn trông thật thương. Xung quanh tôi mười mấy thân thể trẻ thơ khẳng khiu và đen đúa, tóc tai quần áo đã ngả màu, những tâm hồn trong sáng, những ánh mắt trong veo đăm đăm nhìn theo những gói quà trên tay các chú đã ít nhất một lần cho tôi tạm quên đi những phiền muộn vặt vãnh đời thường để thấy lòng thật bình yên... 

13h trưa ngày 26/12 khi chúng tôi được đại diện địa phương đưa đến điểm tập kết xuồng tại xã Mỹ Hòa thì thấy bà con đã có mặt khá đông. Aỏn tượng đầu tiên đối với tôi vẫn là những chiếc nón tả tơi của một đời lam lũ nhưng ẩn dưới những vành nón tả tơi ấy là nguyên vẹn nét hân hoan, tinh khôi niềm hy vọng. Tôi không quên được những giây phút thật là xúc động lúc anh Khôi, người đại diện cho nhóm nói vài lời với bà con trước khi trao xuồng. Không gian lắng đọng xung quanh tôi chợt vỡ òa bởi tiếng vỗ tay và những lời nhắn gửi thật chân thành mộc mạc:
 "cám ơn các cô chú nhiều lắm, tụi tui thiệt là cảm động không biết nói gì hơn & các chú có về bển cho tụi tôi gửi lời cám ơn các cô chú bên kia, chúc các cô chú luôn mạnh giỏi hen".

Tôi nghe lòng mình thật rộn rã. Bất chợt nghe như mùa xuân đang về trong lòng người dân nghèo giữa ngày đông bạn ạ. Và rồi giữa không gian rộn rã ấy, tôi lặng lẽ bước theo bà cụ đang vội vã quay lưng đưa vạt áo quẹt nhanh lên mắt mình& Lặng lẽ bên tôi ...lặng lẽ trong tôi niềm hạnh phúc không tên& Đôi bàn tay gân guốc của má run run trong tay tôi:
"Mỗi ngày má đi làm hên lắm được mươi ngàn, cơm nước thì tự lo mà bữa nào người ta mướn thì làm, hôm nào không có việc người ta không kêu thì rầu lắm, chiếc xuồng này mơ năm nước rồi đó cô ơi".
Tôi không hiểu chính xác cái nghĩa của từ "năm nước" nhưng ít nhiều trong tôi là cảm nhận về một sự thâm trầm để hôm nay niềm mơ ước mới trở thành sự thật. Mà quả vậy, không riêng gì má, đối với những người dân quê quanh năm chân lấm tay bùn, lẩn quẩn với công việc làm thuê cuốc mướn, nhổ cỏ, mót khoai thì chiếc xuồng trị giá 600.000đ có thể được coi là cả một "gia tài", là ước mơ cả một đời họ nếu không muốn nói là điều không tưởng đấy bạn ơi. Hãy nhìn nụ cười hân hoan sáng ngời trên những khuôn mặt khắc khổ, hãy nghe nỗi lòng rất đỗi chân quê của họ để cảm nhận được hết niềm vui đang ngập tràn trong lòng họ. Nhìn cảnh các anh trong nhóm vừa hăng hái ra tay đẩy xuồng phụ bà con, vừa ân cần hỏi han mọi người trong một không khí cởi mở thân tình, phút chốc cho tôi cảm giác những định kiến hẹp hòi về hai tiếng "Việt kiều" cũng như cái ranh giới giữa sự giàu nghèo, thành thị nông thôn... có chăng giờ đây cũng chẳng còn ý nghĩa. Tôi cảm nhận được điều đó qua ánh mắt và nỗi lòng rất đỗi chân thật của họ:
"Các chú thiệt là tốt đó, cho tụi tui xuồng rồi lại còn khiêng giúp tụi tui nữa, thiệt là cám ơn mấy chú quá".
Tôi nhớ hoài câu nói mộc mạc đầy thiện chí của một chị phụ nữ khi được các anh phụ đẩy xuồng:
"Thôi tui về, cám ơn mấy anh nhiều nghe, mấy anh về khỏe hen, tui không bao giờ quên mấy anh đâu nhưng mà tui đâu biết anh tên gì để mà nhớ chứ".
Cô bạn đi trong nhóm tôi đùa theo "chị cứ kêu anh là anh bé bự là được rồi". Không gian lại rộn rã tiếng cười& Chúng tôi chụp chung tấm hình kỷ niệm trên chiếc xuồng cuối cùng với một má trạc bảy mươi. Anh bạn trong nhóm vừa ôm vai má vừa khẽ nâng chiếc nón đã không còn vành trên mái đầu bạc trắng kia ái ngại:
"Trời, sao tả tơi thề này hả má?
Má ngẹo đầu móm mém thật "chân quê":
"không có tiền cậu ơi".

Tôi nghe đắng đầu môi& Chia tay má, chia tay những người dân nghèo xã Mỹ Hòa chúng tôi vội vã ra xe đi về hướng Mỹ An. Từ lộ vào đến điểm tập trung bà con để phát xuồng, chúng tôi phải xuống xe đi bộ qua một con đường đất, lúc ấy đã là 3 giờ chiều. Ngang qua một trường tiểu học đúng vào giờ giải lao, các em học sinh túa ra, những cặp mắt hồn nhiên, ngơ ngác thật đáng yêu quá. Tôi giật mình với tiếng thảng thốt vọng sang từ bên kia đường:
"trời, cái xe bự chưa từng thấy", chợt nghe lòng rưng rưng...
Tại trạm y tế xã, điểm trao xuồng thứ hai của nhóm, cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là một chị phụ nữ đang ngồi bệt dưới đất, trên cánh tay chị đứa bé chừng hai tuổi đang gật gà gật gưỡng. Tôi ngồi xuống bên chị ái ngại:
" Sao chị không gởi cháu ở nhà cho ai, bồng ra đây chi khổ vậy?"
Chị lắc đầu thiểu não:
"nó đang bịnh, ở nhà không có ai coi, thằng nhỏ này hổm rồi suýt chết, bị tiêm thuốc lộn. Xã này hổm rồi ba, bốn đứa suýt chết vì tiêm thuốc lộn rồi đó cô".
Trời ơi, tôi chẳng biết nói gì hơn, thực sự chẳng biết nói gì hơn ngoài hai tiếng: "trời ơi", không thể tưởng tượng được sinh mạng con người mà hơn nữa là trẻ em ở nơi đây lại bọt bèo đến thế

Tôi đứng lên nhìn quanh, xúc động và nôn nao không kém: "người trong cuộc". Tôi ngắm vẻ hân hoan, náo nức trên gương mặt đầy phấn chấn của những người dân nghèo nơi đây, chợt nghe lòng mình cũng háo hức chi lạ. Bên cạnh tôi một cụ già đang loay hoay tìm tờ phiếu trong túi, vừa dõi mắt về phía người đang đọc tên chờ đợi. Tôi đến bên người đang cầm danh sách trên tay:
"Anh ơi, anh thông cảm đọc tên cho ông cụ này nhận trước đi, ông già cả đứng lâu tội lắm".
Anh chàng "cứng ngắt":
" không được, chị thông cảm, tui phải làm theo thứ tự thôi".
Tôi thoáng bực mình nhưng thôi kệ, .ừ, thì nguyên tắc là nguyên tắc.. Cuối cùng thì ông cụ của tôi cùng con xuồng cũng rời bến. Cụ quay lại vẫy tay chào chúng tôi. Đôi mắt long lanh, cái nụ cười đôn hậu đáng yêu ấy tôi quên sao được. Rồi đây hy vọng trong những lúc buồn phiền vây kín tôi luôn có cái để nghĩ về& Tại xã Mỹ An, 4 giờ chiều, những con xuồng cuối cùng lần lượt được đẩy ra sông. Nhiều chị phụ nữ, nhiều má còn chần chừ chưa muốn ra về vì "đợi các chị em cùng chèo về chung cho vui", nhìn không khí nhộn nhịp đầy ắp tình người miền sông nước tôi nghe lòng lâng lâng.

Thế rồi, những con xuồng cuối cùng cũng rời bến ... Chào nhé những người dân Mỹ An hiền hòa, chân thật trọng nghĩa quý tình, chúng tôi ra xe trở về thành phố. Xe lăn bánh qua con đường mịt mù bụi đỏ... Đi được một đoạn ngắn, qua cửa xe chúng tôi ngạc nhiên nhìn thấy dọc hai bên bờ sông nhiều chiếc xuồng đã " qua mặt" chúng tôi. Những mái chèo thoăn thoắt lướt nhanh, những cánh tay giơ cao vẫy chào, những nụ cười sáng rỡ hân hoan cho tôi ngất ngây trong niềm vui òa vỡ. Ôi, cám ơn những con xuồng, những con xuồng mang dòng chữ "VTT và NVTL", những con xuồng chẳng làm bằng " nửa vầng trăng", những mái chèo chẳng bằng " câu thơ bẻ đôi " mà nguyên vẹn nghĩa tình của những đứa con tha phương cho tôi được một lần mênh mang, bồng bềnh trong hạnh phúc "hương đồng gió nội". Cám ơn các bạn, ngàn lần cám ơn các bạn bởi nếu không có những vòng tay rộng mở, không có những trái tim cùng chung nhịp đập thì ở nơi đây dù cái tâm của tôi có và có lớn đến đâu cũng không dễ dàng mua được những phút giây hạnh phúc như thế này.

Xin một lần cùng bạn chia xẻ niềm hạnh phúc không tên...

Close


Bạn tìm đến nhóm thiện nguyện VTT qua
www.tuoitre.org, tuoitre.org, www.tuoitre.de hoặc tuoitre.de.
Mọi ý kiến đóng góp xin bạn hãy liên lạc với chúng tôi qua lienlac@tuoitre.org.