Truy tìm
trên Internet

  |  

Ngày nay, việc truy tìm thông tin gì đó trên Web chả khác gì đáy bể mò kim. Thông tin - cả thật lẫn giả - trên Web quá nhiều đến nỗi muốn tìm được mẩu tin nào đó bạn phải có đủ lòng dũng cảm như các trang hiệp sĩ săn lùng báu vật ngày xưa, phải vượt qua không biết bao nhiêu cạm bẫy, bi kịch và trò phù thủy mới lấy được nó. Qua bài báo này, hy vọng rằng bạn sẽ tìm được những phương sách ngõ hầu rút ngắn thời gian truy tìm trên Web, tận dụng tối đa các công cụ truy tìm đã biết, cũng như nắm vững các công cụ truy tìm thật sự thiết yếu nhưng thường bị bỏ qua.

Truy Tìm Khái Quát

* AltaVista (www.altavista.com): Là CCTT khá mạnh, AltaVista (của Compaq) tỏ ra giữ được uy tín lâu hơn hầu hết các site truy tìm khác trên Web. Mặc dù thiếu một số tính năng lập yêu cầu truy tìm (query) hấp dẫn như các site khác, chẳng hạn không có "hộp thả" (drop-down box) để bạn có thể xây dựng các biểu thức Boole (một biểu thức bao gồm các toán tử logic như "và", "hoặc", "không", dùng rộng rãi trong tin học, ND), AltaVista lại có những tính năng độc nhất vô nhị và một trong số đó là bạn có thể gõ một câu đơn giản vào hộp Query, thế là không chỉ khai báo kết quả truy tìm được, AltaVista sẽ còn đoán trước một số câu hỏi liên quan mà bạn có thể đặt ra. Chẳng hạn, nếu bạn tìm mục "dog" (con chó), AltaVista sẽ đưa ra câu hỏi "Hot dog (xúc xích nóng) làm như thế nào?" cùng với nút Answer kết nối tới các site liên quan.

Trên search form (biểu mẫu truy tìm) cơ bản của AltaVista, bạn có thể chỉ định khai báo kết quả bằng một trong 25 thứ tiếng; đối với các site khác, tính năng rất hay này chỉ có trong các biểu mẫu truy tìm nâng cao. Ngoài ra, bạn hãy đến trang Tools and Gadgets (www.altavista.com/av/content/tools) để thử các tiện ích như Stress-O-Meter, Calorie Calculator và Find Polluters Near You. Đặc biệt thú vị là công cụ Babelfish (babelfish.altavista.com) cho phép dịch từng câu hay thậm chí cả trang Web giữa các tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều thứ tiếng khác nữa.

Thủ thuật: Muốn tìm một site cụ thể, bạn hãy gõ host:domain từ khóa. Chẳng hạn, nếu muốn tìm tin tức của đài CNN về Bosnia, bạn gõ host:cnn.com bosnia. Muốn biết thông tin về một nước nào đó, bạn gõ domain:tên nước từ khóa. Chẳng hạn, nếu gõ domain:uk football, bạn sẽ được đưa đến các site của Anh nói về bóng

* Dogpile (www.dogpile.com): Khi chỉ mục của một CCTT không thể cung cấp đầy đủ thông tin bạn cần, thì các site "siêu truy tìm" (metasearch site) như Dogpile tỏ ra là trợ thủ đáng tin cậy. "Siêu truy tìm" là thuật ngữ chỉ việc tận dụng mọi công cụ để săn lùng kết quả từ khắp nơi trên Internet. Nhiều site cũng thực hiện "siêu truy tìm, nhưng Dogpile có thêm một tính năng ngoạn mục khác. Một mặt, nó "siêu truy tìm" nhiều loại site khác nhau: bạn có thể tùy tìm từ bất cứ nguồn nào: Web, các dịch vụ thông tấn, nhóm Usenet, site FTP và những nguồn khác như bản đồ, báo cáo khí tượng và giá cổ phiếu.

Kết quả truy tìm không được sắp xếp theo thứ tự. Thay vào đó, chúng được bố trí thành từng nhóm theo công cụ tìm ra chúng. Đây không phải là cách phân loại thông tin tiện lợi nhất (phần mềm Copernic 99 làm hay hơn, xem "Một số chương trình hỗ trợ khác"), song lại cực nhanh. Ngoài ra, site này còn có thể giúp bạn tìm tin tức và các thông cáo báo chí trong Biz-News vốn được sắp xếp theo ngày tháng.

Thủ thuật: Bạn cần dùng nhiều thuật ngữ Boole khi dùng công cụ truy tìm DogPile. Việc đặt các cụm từ trong dấu ngoặc kép hoặc dùng dấu trừ để loại bỏ một từ là rất quan trọng trong trường hợp kết quả tìm thấy từ các công cụ khác không được phân loại để tìm dữ liệu trùng lặp.

* Excite (www.excite.com). Truy tìm bằng Excite sẽ cho bạn nhiều loại kết quả chứ không chỉ các kết nối tới trang Web. Chẳng hạn, nếu truy tìm về Rolling Stones, bạn sẽ có những mẩu chuyện vui, lịch biểu diễn, những thông tin "bách khoa" về ban nhạc này và trích đoạn các tác phẩm. Còn khi muốn tìm hiểu về một công ty có cổ phần trên thị trường chứng khoán, đầu tiên bạn sẽ được nối kết với các bộ phận tài chính và Web site của công ty. Tuy nhiên, những thông tin chuyên biệt như vậy có phần gây trở ngại trong trường hợp bạn chỉ cần biết sơ qua các nét chung của một chủ đề. Excite cũng có những công cụ tiện ích giúp bạn điều chỉnh nếu lần truy tìm đầu tiên mang lại quá ít thông tin. Chỉ cần nhấn một nút, bạn có thể đổi thứ tự sắp xếp để liệt kê thông tin tìm được theo từng Web site. Nếu chỉ có một kết quả có vẻ liên quan, hãy nhấn vào "More Like This" ("thêm những cái giống như vậy nữa") bên dưới nó. Excite sẽ truy tìm lại dựa trên các từ và khái niệm chứa trong kết quả này.

Thủ thuật: Nếu tìm được hàng lô kết quả nhưng chẳng liên quan gì, hãy "nhặt" ra vài từ khóa từ danh mục "Select words to add to your search" phía dưới search form trên hộp Results (kết quả).

Khi gõ một yêu cầu trong AltaVista thì ngoài kết quả khai báo được dựa trên yêu cầu đó, bạn có thể được trả lời từ một site có liên quan mật thiết tới đề tài bạn quan tâm.

* HotBot (www.hotbot.com): Tính năng hay nhất của site này là định vị các trang Web đã được đưa lên trong một khoảng thời gian chỉ định. Các hộp danh mục trong search form cơ bản của nó cho phép truy tìm dựa trên nhiều cơ sở khác nhau. Bạn có thể truy tìm theo cụm từ, tiêu đề trang, tên người, hoặc các nối kết với một URL nào đó, và chỉ định khai báo kết quả bằng một trong chín thứ tiếng. Bạn muốn tìm thông tin mới nhất ư? Hay muốn tìm dữ liệu trong một quãng thời gian dài hơn? Chỉ cần giới hạn truy tìm trong phạm vi các trang Web đã được cập nhật trong tuần qua, hoặc mở rộng thời gian ra nhiều tháng. Đồng thời, không chỉ truy tìm các trang Web, bạn còn có thể dùng hộp đánh dấu (check box) để tìm các JavaScript, ảnh chụp, tập tin tiếng (audio files) và cả tập tin hình (video files).

Search form nâng cao của HotBot cũng gồm một số tùy chọn cho biểu thức Boole mà bạn có thể đưa vào form thông thường, nhưng ngoài ra có vài tùy chọn mới, chẳng hạn như giới hạn truy tìm trong một domain cụ thể (như pcworld.com) hoặc một domain cấp cao nhất (như .com, .gov hoặc .edu). Điều này rất có ích khi bạn cần "săn lùng" các site mà thiếu một CCTT tốt. Và nếu với HotBot bạn không thu được kết quả (như đã xảy ra trong một vài lần thử), đã có một nút cho phép nhường cuộc truy tìm lại cho Lycos.

Thủ thuật: Đừng tạo những biểu thức Boole quá dài để thu hẹp phạm vi truy tìm. Sau hai hoặc ba mệnh đề NOT, HotBot sẽ chào thua và không cho ra kết quả gì cả dù có hàng trăm site thực sự thỏa mãn tiêu chí yêu cầu.

* InfoSeek (infoseek.go.com): InfoSeek là một thành phần của Go Network, một "mảng" (array) bao gồm các site nội dung Web liên kết với Disney và ABC. Cũng như các site truy tìm khác, InfoSeek dùng search form đơn giản gồm một hộp duy nhất: chỉ cần gõ nội dung cần tìm rồi nhấn <Enter> hoặc nút Search. Dùng "hộp thả" để chỉ định bạn muốn tìm gì: các trang Web, mẩu tin mới, thông điệp của các nhóm tin hay thông tin về các công ty. Cũng như HotBot và Lycos, InfoSeek cũng có search form nâng cao để bạn có thể nhập yêu cầu dưới dạng biểu thức Boole hoặc theo tiêu chí cụ thể. Ngoài ra còn có một bộ lọc giúp bạn lọc bỏ các nội dung không phù hợp với trẻ em, gọi là GoGuardian; muốn sử dụng chỉ cần nhấn một nút.

Thủ thuật: Dùng để truy tìm trong phạm vi một tiêu chí trên InfoSeek. Chẳng hạn, gõ dance|tango để truy tìm từ tango trong phạm vi tiêu chí dance.

* Lycos (www.lycos.com): Là một công cụ hấp dẫn và tiện lợi, Lycos truy tìm từ Web những tin tức, mẫu chào hàng và nhiều thứ hấp dẫn khác đối với người tiêu thụ. "Thanh truy tìm cảm ngữ cảnh" (context-sensitive search bar) cho phép bạn dễ dàng tinh lọc những kết quả truy tìm được: sau khi nhập yêu cầu đầu tiên, Lycos sẽ cho bạn nhập yêu cầu thứ hai dựa trên kết quả truy tìm thứ nhất, hoặc trong phạm vi một tiêu chí truy tìm có sẵn của Lycos, chẳng hạn Weather (thời tiết) hay các site giành được giải thưởng Top 5%.

Trang Pro Search của Lycos giúp bạn tìm những nội dung cụ thể, chẳng hạn hình ảnh, tập tin MP3, sách hoặc nhóm tin.

Thủ thuật: Search Guard là một dịch vụ tùy chọn để lọc bỏ các nội dung như phim ảnh khiêu dâm và ngôn ngữ khiếm nhã; tuy nhiên nếu dùng nó, việc truy cập các chat room và bulletin board qua Lycos có thể bị hạn chế. Sau khi đăng k& dùng Search Guard, bạn có thể chỉ định nội dung mà bạn muốn lọc bỏ.

* Microsoft Network (www.msn.com): Cũng như địch thủ Netscape, Microsoft duy trì một site truy tìm như một đặc ân cho những site truy tìm Web khác vẫn trung thành với họ: đó là AltaVista, InfoSeek, Lycos và Snap. Site truy tìm của Microsoft Network (search.msn.com) cũng cung cấp một công cụ truy tìm MSN riêng có khả năng xử lý những ngữ đoạn hỗn hợp gồm có cả từ và toán tử (chẳng hạn "King Arthur" Guinevere, để truy tìm chỉ riêng về vua Arthur (nhân vật lịch sử của nước Anh sống vào thế k thứ 6, có mặt trong nhiều truyền thuyết nổi tiếng, ND) chứ không gồm cả triều thần của ngài. Đồng thời, www.msn.com cung cấp một trang "tất cả trong một" bao gồm nhiều tùy chọn truy tìm, từ truy tìm đại trà trên Web ở GoTo.com và Northern Light cho đến những truy tìm chuyên biệt về bộ sưu tập mỹ thuật của Corbid hoặc Dictionary.com. Người dùng Internet Explorer 5.0, nếu theo nối kết More Searches sẽ tìm thấy không chỉ một danh mục dài các site truy tìm mà còn nhiều hơn thế. Với họ, trang này cho phép tùy biến những gì sẽ xuất hiện khi nhấn nút Search trên trình duyệt của mình, kể cả việc bổ sung những site truy tìm mà họ thích.

* NetCenter (www.netcenter.com): NetCenter của Netscape tập hợp nửa tá site truy tìm Web khác nhau - đúng ra là bảy site nếu kể cả Excite (phiên bản có thương hiệu của Netscape) là một site riêng biệt - vào một URL duy nhất. Tất nhiên, bạn chỉ có lợi mà thôi: có thể truy cập Excite, InfoSeek, Lycos, Snap và LookSmart, cộng với một công cụ truy tìm mới gọi là NewsTracker (cũng từ Excite).

Thủ thuật: Nếu biết mình muốn truy tìm những site nào, hãy đi thẳng đến các site đó chứ đừng vướng chân trong giao diện của NetCenter.

* Yahoo (www.yahoo.com): Không chỉ là CCTT hàng đầu và là lối vào Web thông dụng nhất, Yahoo còn có danh mục các chủ đề của Web được thiết kế cẩn thận và duy trì rất công phu. Chính nhờ vậy Yahoo là công cụ tưởng khi bạn truy tìm lần đầu. Thay vì tập trung vào một số trang nhất định trong một site, Yahoo cho phép bạn định vị toàn bộ các site và những trang chỉ mục của chúng. Cách này đặc biệt hữu ích khi muốn tìm một trang nào đó nhưng không biết đích xác mình đang kiếm gì trong trang đó. Bởi Yahoo cho bạn truy tìm theo tiêu chí (category) hoặc theo site nên kết quả tìm được thường dễ quản lý hơn là của các CCTT khác.

Thủ thuật: Hãy cố tận dụng các tiêu chí truy tìm được tổ chức rất tốt của Yahoo để hạn định những thứ cần tìm. Đầu tiên là duyệt tiêu chí chung mà bạn quan tâm, sau đó nhập một yêu cầu rồi chỉ định cho Yahoo truy tìm trong phạm vi tiêu chí này mà thôi (Just this Category).

Thủ thuật

Sau đây là vài "Thủ thuật" nho nhỏ để bạn có thể truy tìm nhanh hơn trên Web.

Nhập cả nhóm từ hay trọn câu hỏi. Bạn sẽ đạt kết quả tốt hơn nếu gõ một vài từ liên quan thay vì chỉ một từ duy nhất. Do đó, nếu muốn tìm thông tin về vua Arthur, thì gõ King Arthur Holy Grail sẽ hiệu nghiệm hơn là chỉ một chữ Arthur (Holy Grail: Đĩa hoặc Chén Thánh mà chúa Giêsu dùng trong bữa tiệc cuối cùng và đựng những giọt máu của ngài rỏ từ trên thập giá, được các Hiệp sĩ của triều đình vua Arthur lùng kiếm; ND). Bạn cũng có thể nhập hẳn một câu hỏi: Who found the Holy Grail (ai đã tìm thấy Chén Thánh)? Hầu hết CCTT đều bỏ qua những chữ như the.

Chọn từ cho kỹ. Nếu chỉ nhập một cụm từ vô thưởng vô phạt round table (bàn tròn), bạn sẽ thu được quá nhiều dữ liệu nhưng chẳng ăn nhập gì với cái bạn cần biết là chiếc bàn nổi tiếng của vua Arthur. Tốt hơn hết hãy nhập: king arthur knights round table.

Thử đi thử lại. Nếu thử lần đầu chưa kiếm được gì cả, bạn đừng chịu thua. Hãy thử đi thử lại nhiều lần với cùng một yêu cầu đó, mỗi lần lại thay một từ đồng nghĩa hay liên quan. Nếu vẫn thu được quá nhiều kết quả thì thêm vào những từ diễn giải để yêu cầu của mình cụ thể hơn.

Đặt trong ngoặc kép những cụm từ chuyên biệt. Nếu muốn tìm những cụm từ đặc thù, dẫn đúng nguyên văn, chẳng hạn như "To be or not to be", đừng quên đặt trong cặp ngoặc kép.

Biết lợi dụng các toán tử. Công cụ thông thường để nối kết các từ trong yêu cầu truy tìm bao gồm AND, OR và NOT, dấu + và dấu -. Các toán tử này được nhận biết bởi đa số CCTT và có thể giúp bạn tạo những yêu cầu thật rõ ràng, cụ thể. AND (và) dùng để nối kết những từ nhất định phải có trong mỗi kết quả khai báo: Arthur AND Merlin. Nếu chỉ yêu cầu có một trong hai từ trong kết quả khai báo, hãy dùng OR (hoặc): Arthur OR Merlin (Merlin: "con chim cắt nhỏ", là thầy phù thủy phù hộ cho vua Arthur - ND). NOT hay dấu trừ ‘-’ đặt trước một từ có tác dụng loại trừ những chữ không được có mặt trong kết quả khai báo, chẳng hạn: Holy Grail -Monty -Python. Dấu cộng ‘+’ đặt trước một từ biểu thị rằng từ đó phải xuất hiện trong kết quả khai báo: +King +Arthur.

Vắn tắt các công cụ truy tìm tốt nhất Tường giải các công cụ truy tìm

Các CCTT đều dùng một quy trình gồm ba giai đoạn để lập trang kết quả khai báo: tạo chỉ mục, truy tìm chỉ mục, và cuối cùng là sắp xếp các kết quả. Nhưng mỗi site xử lý các nhiệm vụ này khác nhau nên có thể cho kết quả khác nhau.

Yahoo lập chỉ mục tốt nhất. CCTT dùng một phần mềm "con nhện" và con nhện này "bò" khắp mạng để tạo chỉ mục. Phần mềm này nhắm đến nhiều site khác nhau và theo mọi nối kết trên từng trang để tạo chỉ mục cho mỗi trang. Chất lượng các chỉ mục thay đổi tùy theo chúng có thường xuyên được cập nhật không, bao lâu thì các trang đã bị xóa khỏi site cũng bị xóa khỏi các chỉ mục đó. Kết quả truy tìm có đúng là thứ bạn cần hay không cũng còn tùy bởi lập chỉ mục bằng "con nhện" có thể đưa vào cả những diễn giải vô hình (gọi là metatag, tạm dịch: "siêu nhãn") do các Webmaster thêm vào, các "dòng tít, tiêu đề, từ khóa và ngữ đoạn lấy từ trang đó.

Những nhân tố này đều có thể dẫn tới kết quả sai lạc, đặc biệt là do nhiều Webmaster lạm dụng chúng để dồn thông tin về site của họ; còn bạn thì chỉ toàn được những thứ chẳng đâu vào đâu mà thôi. Chính vì vậy mà Yahoo, với các diễn giải site "được tạo bởi con người" và khả năng truy tìm mạnh theo từ khóa, thường tìm ra đúng những thứ bạn tìm hơn.

Sắp xếp kết quả. Khi nhập các từ truy tìm vào một form, trước hết CCTT bắt đầu tìm cơ sở dữ liệu của nó. Kết quả khai báo sau đó được sắp xếp lại, lại thêm một điểm dẫn đến khác biệt lớn giữa các CCTT.

Hầu hết các site đầu tư vào tính năng lập chỉ mục site "bằng sức người" đều mang lại kết quả tốt hơn so với lập chỉ mục một cách máy móc bằng "con nhện". Goto thì đưa ra giải pháp "hỗn hợp", cung cấp kết quả có tính tiền trong trường hợp một nhà quảng cáo đặt chỗ cho một số từ truy tìm chuyên biệt, chẳng hạn như travel (du lịch) hay music (âm nhạc).

Lưu ý

Truy Tìm Thông Tin Cụ Thể

Nếu bạn đang cần tìm những thông tin rất cụ thể thì một CCTT chung chung như Yahoo hoặc AltaVista có thể không phải là cách hay nhất. Thay vào đó, có khi bạn cần chuyển sang một site khác tập trung vào một đối tượng cụ thể, chẳng hạn các nhóm thảo luận, thông tin cá nhân, tin tức, dữ liệu về các công ty, thông cáo báo chí, hỗ trợ kỹ thuật hoặc giới thiệu sản phẩm. Chỉ cần chọn đúng site bạn cần, mọi việc sẽ dễ dàng ngay.

Các công ty/ tổ chức

Để có thể tạo được lòng tin cho một công ty, bạn hàng hay người mua nào đó, bạn phải có nhiều thông tin về họ. Web là kho vô tận những thông tin như thế.

Muốn nhanh chóng có dữ liệu về một công ty, hãy thử nhập tên của công ty đó vào Excite. Site này sẽ cung cấp địa chỉ và kết nối tới Web site của công ty đó cũng như số liệu về cổ phiếu và còn nối kết với những mẩu tin mới nhất về công ty nếu có.

Một trong những cách dễ nhất để theo dõi các công ty cổ phần là đăng nhập (miễn phí) vào CompanySleuth (www.companysleuth.com). Bạn sẽ được cập nhật hàng ngày về mọi tin tức, biến động giá cổ phiếu trên "bản tin đầu tư" (investor bulletin board). Dù không phải CCTT chính thống, CompanySleuth lại có thể "đào bới" mọi thông tin và đưa lên một trang Web cá nhân.

Đối với thông tin về các doanh nghiệp, bao gồm số liệu và diễn giải ngắn gọn, Hoover điền kín vào chỗ trống.

Bạn cảm thấy mình đang bị "theo dõi" phải không? CompanySleuth có thể kiểm tra xem ai đã yêu cầu cung cấp thông tin về công ty bạn.

Danh sách các công ty đang theo dõi AMD:

  • Intel Corporation (INTC) (34 người dùng)
  • Compaq Computer Corp. (CPQ) (15 người dùng)
  • IBM (IBM) (12 người dùng)
  • Dell Computer Corporation (DELL) (9 người dùng)
  • Circus Logic, Inc. (CRUS) (7 người dùng)
  • Infonautics, Inc. (INFO) (7 người dùng)
  • 3Dfx Interactive, Inc. (TDFX) (6 người dùng)
  • America Online Inc. (AOL) (6 người dùng)
  • BankAmerica Corp. (BAC) (5 người dùng)
  • Lockheed Martin Corp. (LMT) (5 người dùng)

Thủ thuật: Nếu cần theo dõi các công ty mà bạn có đầu tư hoặc đang cạnh tranh, hãy để CompanySleuth e-mail cho bạn bản cập nhật hàng ngày trong đó có liệt kê thông tin mới trên mỗi trang. Thông tin cập nhật được gửi đi cả vào Chủ Nhật và ngày lễ, và cho bạn kết nối trực tiếp đến trang Web của các công ty mà bạn đang theo dõi.

Muốn có thông tin miễn phí về các công ty cổ phần, công ty tư nhân cũng như về ban lãnh đạo của chúng, hãy thử dùng Online của Hoover (www.hoovers.com). Chỉ cần nhập tên hoặc thương hiệu của công ty, bạn có thể biết về quy mô, địa điểm, chi tiết tài chính, lịch sử và các lãnh đạo chủ chốt của công ty đó. Kết quả khai báo trên màn hình bao gồm cả nối kết đến các đối thủ cạnh tranh, công ty con, biểu đồ cổ phiếu và vị trí của công ty trên danh sách 500 công ty hàng đầu của Fortune, S&P và Hoover. Muốn truy cập dữ liệu về các công ty trên Hoover - kể cả những thông tin "đáng đồng tiền bát gạo" như mức lương của giám đốc - bạn phải trả cước phí 15 USD hàng tháng.

Tuy vậy, nhiều công ty nhỏ vẫn nằm ngoài phạm vi của Hoover. Muốn biết nhiều hơn về những công ty này, bạn có thể phải truy cập các hồ sơ công cộng chứa vô số thông tin hợp pháp. KnowX (www.knowx.com) là một trong những nguồn tuyệt diệu đó cho dù bạn phải trả một khoản tiền kha khá để biết những điều bạn cần.

Tin trong ngày

* Yahoo News (dailynews.yahoo.com): là một tập hợp các mẩu tin mới nhất trong ngày thuộc nhiều chủ đề khác nhau (như Top Stories (tin sốt dẻo), Business (kinh doanh), Technology (công nghệ), Politics (chính trị), v.v...…) theo một cấu trúc rất bài bản và dễ tìm. Vào sâu hơn một cấp trong site này, bạn sẽ thấy câu mở đầu kèm theo tựa đề của mỗi mẩu tin, nhờ vậy có thể nắm tin tức rất nhanh. Nguồn tin được lấy từ Reuters, AP và ABC, cùng một "gallery ảnh" thu thập các hình ảnh mới. Bạn có thể truy cập tin tức trong vòng mười ngày gần đây thông qua các nối kết ở cuối trang.

Thủ thuật: Muốn lọc tin tức trong ngày một cách tự động, hãy tạo một trang tin của riêng bạn bằng công cụ My Yahoo (my.yahoo.com).

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ quan tâm tìm những thứ liên quan đến chủ đề hiện tại chứ chẳng cần theo dõi mọi sự kiện xảy ra trong ngày (vốn là đặc tính của Yahoo), thì trang tin được cung cấp bởi HotBot (headlines.hotbot.com) chính là site bạn cần tới. HotBot truy tìm các nguồn tin từ Washington Post, Los Angeles Times, các dịch vụ thông tin, Wired News (dành cho đề tài công nghệ), CNN, ESPN và một số nhà cung cấp tin theo chủ đề chuyên biệt khác.

Một số CCTT khác cũng cung cấp dịch vụ thông tin. Lycos (www.lycos.com), Go Network (www.go.com/Center/News) và Excite (nt.excite.com) chẳng hạn, tất cả đều cung cấp những trang tin tức có thể tùy biến và dùng để truy tìm, giống như Yahoo. Do nội dung của chúng ít nhiều đều như nhau (vì đều là từ AP và Reuters), nên có nguồn tin bạn thích site nào nhất hoàn toàn là theo sở thích cá nhân của bạn mà thôi.

Muốn có nối kết đến thông tin bạn có thể đọc, hãy thử dùng TotalNews (www.totalnews.com), ở đó có hàng tá site cung cấp tin tức chung hoặc theo chủ đề. TotalNews không có bài báo nào, cũng không cho bạn truy tìm chúng; đây chỉ là một site tin tức "tổng hợp", đóng vai trò trang Web tùy biến giúp bạn nối kết với những site tin tức quan trọng như New York Times, Wall Street Journal Interactive và San Jose Mercury News, cùng một số site quốc tế.

Các nhóm thảo luận đồng đẳng

Usenet có thâm niên cao hơn Web. Kho tàng trí tuệ tập thể ẩn chứa trong hàng ngàn nhóm thảo luận kia cũng có vô khối chuyện tầm phào. Nếu mưu cầu trí tuệ giữa từng ấy nhóm thảo luận và diễn đàn trên Internet, bạn cần một lưỡi gươm thật sắc để cắt bỏ không thương tiếc mọi cuộc tán gẫu hay "nhỏ to tâm sự" vô bổ đó.

Thanh gươm trong tay người hiệp sĩ lợi hại như thế nào thì Deja News (www.dejanews.com) cũng như thế trong tay người truy tìm Usenet. Không chỉ cho bạn những công cụ mạnh mẽ để truy tìm Usenet, Deja News còn cho phép duyệt các thông tin cập nhật và thậm chí cập nhật về chính bạn nữa - tất cả đều thông qua trình duyệt.

Encarta của Microsoft cung cấp miễn phí kiến thức bách khoa dưới dạng "vắn tắt". Nhưng muốn thực sự dùng được chương trình này, bạn cần phải thuê bao theo năm.

Nếu muốn có thêm chút của ăn của để, hãy thử gia nhập một diễn đàn thảo luận chuyên về các vấn đề tài chính và đầu tư. Hai nguồn thông tin rất tốt là Yahoo Finance (quote.yahoo.com) và The Motley Fool (www.fool.com). Chỉ cần nhớ rằng kẻ khuyên nhủ đầu tư một cách nhiệt tình nhất chưa chắc đã là người dẫn đường tài ba nhất. Hãy giữ óc phán đoán cho thật độc lập khi truy cập thông tin trong các site này, cũng như mọi nhóm thảo luận khác trên Web.

Thông tin cá nhân

Chỉ cần một chút kiên nhẫn và một số Net server, bạn có thể tìm được thông tin về bất cứ ai.

Cơ sở dữ liệu về số điện thoại hữu hiệu và năng cập nhật nhất hiện nay là AnyWho (www.anywho.com) của AT&T có thể dùng để truy tìm trên toàn nước Mỹ. Nó chứa danh mục các "trang trắng" dành cho cá nhân; danh mục các doanh nghiệp; một chức năng "truy ngược" từ số điện thoại (bạn nhập vào bất cứ số điện thoại nào, nó sẽ cho biết tên của người chủ máy đó); và một danh bạ các trang Web.

Một search form (mẫu truy tìm) trên trang tin của HotBot cho phép bạn tìm một chủ đề nào đó trong các mẩu tin mới nhất lấy từ bất cứ nguồn nào.

Là công cụ mạnh để tìm các nội dung hữu ích trong Usenet, Deja News cung cấp các nhóm thảo luận của chính mình trên Web.

Nếu cần săn lùng các địa chỉ e-mail, hãy thử Yahoo People Search (www.people.yahoo.com) và WhoWhere People Finder của Lycos (www.whowhere.lycos.com). Cả hai site này cho bạn truy tìm địa chỉ e-mail hay số điện thoại theo tên người. Nhưng coi chừng: nhiều người thường xuyên đổi địa chỉ e-mail nên các cơ sở dữ liệu này rất hay có những địa chỉ lạc hậu. Nếu nghi ngờ, hãy thử nhiều danh bạ cho chắc ăn.

Thủ thuật: Nếu biết người mà bạn tìm đang sống ở thành phố nào (tại Hoa Kỳ) hoặc dùng domain nào (tức phần theo sau dấu @ trong địa chỉ e-mail), bạn sẽ dễ tìm đúng địa chỉ hơn, đặc biệt là nếu bạn biết rõ về người đó.

* Switchboard (www.switchboard .com): Site này cũng giúp bạn truy tìm số điện thoại và địa chỉ e-mail như các site đã nói trên. Nhưng khi bạn tìm thấy thông tin về một người, Switchboard còn cho bạn biết thêm những điều thú vị về hàng xóm của người đó cùng những thông tin khác về địa phương người đó sống.

Các bài báo đã xuất bản

Theo lẽ thường, thông tin phải không mất tiền mới đúng, thế nhưng nhiều nhà xuất bản lại chẳng muốn cho không. Mặc dù có thể tìm thấy vô khối thông tin miễn phí trên Internet, bạn sẽ phải dốc hầu bao cho các công ty xuất bản nếu muốn lấy tin từ những tờ báo chuyên ngành hay các nguồn thông tin độc quyền khác.

Những nguồn thông tin có tính tiền hàng đầu trên Web là Dialog Web (www.dialogweb.com), Lexis-Nexis (www.lexis-nexis.com) và Dow Jones Interactive (www.djnr.com), cả ba đều khởi nghiệp thu thập thông tin từ những năm 70 và 80 nghĩa là khi Web còn chưa ra đời. Mỗi site đều cung cấp nhiều dịch vụ thuê bao trên Web, tập trung vào các cơ sở dữ liệu liên quan đến các diễn đàn kinh doanh, luật pháp và nhiều ngành nghề khác. Nhưng hãy cẩn thận: họ luôn moi tiền của bạn - nào tiền thuê bao, cước phí cho thời gian nối kết với các cơ sở dữ liệu độc quyền, rồi mỗi lần xem một bài báo cũng lại tính tiền. Thậm chí Dialog Web còn bắt trả tiền theo "DialUnit" (đơn vị quay số), thuật ngữ họ tự đặt để chỉ mỗi thuật ngữ hay toán tử mà bạn dùng khi đặt yêu cầu trên Web. Lệ phí cho các site này cũng khá đắt. Thuê bao có thể chỉ mất 69 USD một năm (với Down Jones Interactive), nhưng các bài báo có giá trung bình là 3 USD/ bài. Nếu quan tâm hàng đầu của bạn là có thông tin càng nhanh và chính xác càng tốt thì trả giá đó cũng đáng. Bằng không, trước hết hãy thử tham khảo một số nhà cung cấp ấn bản báo chí trên mạng khác.

Site AnyWho của AT&T là danh bạ điện thoại và địa chỉ của toàn nước Mỹ.

Thủ thuật: Nhiều cơ sở dữ liệu có thể truy cập qua Dialog, Lexis-Nexis và Down Jones Interactive có tính cước phí thời gian kết nối và từng bài báo một. Cho nên, để tránh bị ngạc nhiên một cách khó chịu thì trước khi duyệt trên Web, hãy tìm và in ra các bảng giá đó.

Là trung gian giữa thông tin "cho không" và thông tin chỉ có thể mua từ các nhà cung cấp báo chí, Electric Library (www.library.com) tính tiền 10 USD cước phí/tháng (hoặc 60 USD cả năm) nhưng cho bạn tha hồ truy cập các bài báo mà không bắt trả thêm phụ phí. Northern Light (www.nlsearch.com) lại có cách khác. Là site truy tìm thông thường trên Web, nó cũng cho bạn truy cập thông tin có tính tiền, chẳng hạn các bài báo từ những tạp chí không thể tìm thấy trên Web. Northern Light đưa cả thông tin này vào những lần truy tìm thông thường, do đó, nếu cảm thấy thông tin nào đó không phải là "cho không", bạn chẳng cần gõ lại yêu cầu thêm lần nữa. Tuy nhiên, hãy cân nhắc kỹ thông tin sẽ mua thuộc chủ đề nào. Với một số chủ đề, bạn trả tiền không phải để được bản thân thông tin, mà là để có cơ hội "siêu truy tìm" (metasearch) trong khắp chủ đề đó. Chẳng hạn, ấn bản PR Newswire (giá 1 USD) có thể lấy miễn phí ở www.prnewswire.com. (Tuy nhiên, cần lưu rằng chỉ có các ấn bản trong vòng 30 ngày trở lại đây mà thôi.)

Sách tham khảo

Bạn có muốn phạm một sai lầm tai hại hoặc làm trò cười cho thiên hạ không? Nếu không thì trước khi tiến xa hơn, hãy nghiên cứu vấn đề cho rõ ngọn ngành cái đã. Có nhiều Web site cung cấp những sách tham khảo cần thiết như thế. Một số trong đó có thể truy cập miễn phí, chẳng hạn từ điển OneLook (www.onelook.com) và phiên bản rút gọn của Encarta là hai site nên dùng. Nhưng với nhiều site khác, bạn phải chi một khoản tiền nào đó, chẳng hạn mua đĩa CD-ROM của Encarta (chỉ có cách này mới có thể truy cập toàn bộ văn bản trực tuyến của bộ sách), hoặc mua Britannica Online (www.eb.com) hay Electric Library.

Các site tốt nhất để thăm trước khi khởi sự truy tìm trên Web là những site miễn phí. OneLook là một bộ chỉ mục vĩ đại gồm hàng tá từ điển trên Web, từ sách tham khảo chung như phiên bản trực tuyến của Webster cho đến những danh mục thuật ngữ y học và kỹ thuật. Muốn thông tin "bách khoa" hơn nữa, đã có các mục trên Encarta (encarta.msn.com) có thể truy cập tự do, nhưng đó chỉ là những bản tóm tắt nhằm "nhử" bạn mua đĩa CD để có thể truy cập toàn bộ nội dung.

Nếu cần tham khảo những vấn đề hóc búa hoặc truy cứu tận "chân tơ kẽ tóc" thì đến Britannica Online chứa nhiều thông tin hơn cả bộ sách in cùng tên mà giá thuê bao chỉ có 5 USD/tháng. Britannica Online còn cho bạn ghé nhìn vào chốn "thâm cung" của nó qua đợt "dùng thử" miễn phí trong 7 ngày, một cơ hội không nên bỏ qua. Electric Library còn cho dùng thử lâu hơn và trong phạm vi rộng hơn nữa, qua đó bạn có thể săn lùng hàng triệu đề mục trong các bộ bách khoa World Almanac, Collier và Columbia, hàng triệu bài báo từ các tạp chí, sách báo, thậm chí bản ghi âm từ các chương trình tivi và radio.

Nhược điểm duy nhất của Electric Library chính là phạm vi của nó: quá rộng đến nỗi dù đã giới hạn truy tìm chỉ trong một nguồn duy nhất (chẳng hạn các cuốn sách), các mục tham chiếu tìm được vẫn nhiều đến độ chẳng còn biết đường nào mà lần.

Hỗ trợ kỹ thuật

Nếu gặp vấn đề gì trong khi truy tìm trên Web, hẳn bạn cần gọi chuyên viên kỹ thuật. Nhưng lỡ anh ta đang bận trả lời cho một khách hàng khác thì làm thế nào? Nếu căn nguyên là do một sản phẩm của Microsoft, thì nơi đầu tiên cần gọi là KnowledgeBase của Microsoft (support .microsoft.com/support/search), một tập hợp các đề mục hỗ trợ cụ thể, bao gồm các trục trặc, lỗi phần mềm, cách sửa lỗi, cách tải xuống (download) và các chỉ dẫn, hay "mẹo vặt" (how-to). Tuy nhiên, có nhược điểm là một số đề mục giải thích vấn đề của bạn chính xác từng li từng tí nhưng lại chẳng cho giải pháp nào cả.

Nếu vấn đề liên quan đến phần mềm của một công ty khác không phải Microsoft, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm đúng Web site, số điện thoại hoặc nhóm trao đổi trực tuyến có nhiệm vụ hỗ trợ. Cũng may, SupportHelp.com (www. dupporthelp.com) đã thu thập cả một kho thông tin như thế, lại còn có search form làm nối kết theo tên sản phẩm hoặc tên công ty. Search form cho bạn cả số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật, các diễn đàn trên Web và nhóm tin Usenet liên quan.

SupportHelp.com chứa tập hợp nối kết tới site của các nhà cung cấp máy tính lớn.

Tìm không ra các nguồn chính thức, làm sao đây? Chẳng sao cả. Hãy thử No Wonder (www.nowonder.com). Site này bao gồm hai vùng truy tìm: một bộ sưu tập các bảng thông điệp, và một cơ sở dữ liệu ngoài bao gồm các hướng dẫn và cách xử lý sự cố. Qua No Wonder, bạn cũng có thể được tư vấn bằng e-mail từ một số người tình nguyện, tuy hơi chậm.

Thường thì hỗ trợ kỹ thuật tốt nhất chính là từ những người giống như bạn trong các nhóm tin. Vì vậy, hãy thử tìm các nhóm có tên bắt đầu bằng microsoft.public (ví dụ: microsoft.public.win98.gen_ discussion), comp.os (comp.os.linux), hoặc alt.comp.software (alt.comp.software.financial.quicken).

Một số chương trình hỗ trợ khác

Một số chương trình tải xuống cung cấp cho bạn nhiều tùy chọn khác trong việc truy tìm và tổ chức thông tin. Bạn có thể tìm thấy các phiên bản miễn phí hoặc dùng thử (trial version) của các chương trình dưới đây ở www.fileworld.com/magazine.

Là công cụ "siêu truy tìm" được hỗ trợ bởi các công ty quảng cáo (cũng có một phiên bản với nhiều tùy chọn hơn, giá 30 USD), Copernic 99 (www.copernic.com) "bắt" được 11 CCTT thông dụng và cho bạn lưu toàn bộ trang Web từ các kết quả khai báo để có thể duyệt sau khi đã thoát khỏi Internet. Trong số tiện ích của Copernic, có một công cụ để lưu các thuật ngữ đã dùng để truy tìm, nhờ đó bạn có thể tiếp tục đi sâu nghiên cứu đề mục này. Không như hầu hết công cụ "siêu truy tìm" khác, Copernic cũng cho phép dễ dàng "thanh lọc" kết quả khai báo: bạn có thể loại bỏ các kết quả bằng cách dùng biểu thức Boole hoặc nhấn một hộp kế bên kết quả rồi bấm <Delete>.

Nếu truy tìm với mục đích "nghiêm túc" và cần những công cụ mạnh, bạn nên chọn SuperSleuth, sản phẩm của Prompt Software (giá 60 USD, www.promptsoftware.com). Site này có thể chuyển yêu cầu của bạn đến nhiều CCTT cùng một lúc. Sau đó nó sẽ "biên tập" kết quả khai báo, phân tích và lập chỉ mục từng trang được khai báo. Khỏi nói, quá trình này mất khá nhiều thời gian. Không những thế, giao diện "kinh khủng" của SuperSleuth sẽ buộc bạn mất ít phút để phóng đại các kết quả lên. Bạn có thể thử WebSleuth, anh em họ của SuperSleuth, nghèo nàn hơn nhưng được cái miễn phí; nhưng nếu cần phải sục sạo khắp mọi hang cùng ngõ hẹp của Net thì chắc phải viện đến SuperSleuth thôi.

Webforia Organizer (www.webforia.com, 79 USD) vừa có thể hoạt động như trình duyệt Web lại vừa như CCTT, nhưng sức mạnh lớn nhất của nó là cho phép bạn tiếp tục lập chỉ mục một số site cụ thể và lưu kết quả để duyệt sau khi đã thoát khỏi Web. Bạn chỉ cần nhấn vào công cụ bookmark của Organizer trong khi duyệt, nó sẽ lưu không chỉ URL và tiêu đề trang của một site mà cả chỉ mục các từ khóa để bạn có thể xem lại sau khi đã rời khỏi Web.

Nếu nhận được quá nhiều thông tin và có hàng đống việc cần truy tìm trên Web, Enfish Tracker Pro (www.enfish.com, 80 USD) sẽ giúp bạn tổ chức mọi thứ. Enfish không chỉ quản lý các kết quả truy tìm trên Internet mà còn tổ chức toàn bộ cuộc sống của bạn, ít nhất là phần đời gắn với máy tính. Khi cài đặt Enfish, đầu tiên nó lập chỉ mục mọi thứ có trong đĩa cứng, việc này có thể mất vài giờ. Sau khi hoàn tất, Enfish sẽ nằm ở background, lặng lẽ theo dõi và lập chỉ mục các thứ bạn làm: tài liệu trong ứng dụng xử lý văn bản, e-mail gửi và nhận, các trang Web đã duyệt. Nó gộp chung các dữ liệu liên quan, nhờ vậy sau này bạn sẽ truy xuất thông tin dễ dàng hơn.

Phần mềm miễn phí Alexa (www.alexa.com) đề xuất thêm một số site để bạn đến thăm trong khi duyệt Web. Alexa xuất hiện trên màn hình như một thanh công cụ hẹp nằm về một phía của Desktop, hiển thị danh mục các nối kết liên quan tới site mà bạn đang ghé thăm.

Dùng trình duyệt làm công cụ truy tìm

Trước khi cùng với yêu cầu của mình chu du đến mọi ngõ ngách của Web, hãy thử các CCTT của chính trình duyệt bạn đang dùng. Cả Internet Explorer 5 lẫn Navigator 4.5 đều có những tính năng giúp giảm bớt thời gian gõ máy và di chuyển, đồng thời giúp bạn đỡ mất thì giờ lưu lạc đến những xứ sở lạ hoắc nào đó trên Web.

Internet Explorer 5. Khi bạn nhấn nút Search, một cửa sổ sẽ xuất hiện ở bên trái, liệt kê một số tùy chọn truy tìm: Find a Web Page (tìm một trang Web), Find a Person (tìm một người), Find a Map (tìm một bản đồ), Find in Encyclopedia (tìm trong từ điển bách khoa), v.v... Nếu muốn cấu hình các tùy chọn đó theo mình, nhấn Customize; bạn sẽ vào một trang Web mà ở đó có thể chỉ định những site bạn muốn truy tìm và ra lệnh truy tìm chúng theo thứ tự nào. Gõ từ khóa vào trường truy tìm, chương trình sẽ chuyển yêu cầu của bạn đến mọi CCTT có tham gia. Khi kết quả xuất hiện trong cửa sổ truy tìm, bạn có thể nhấn một nối kết, trang Web của kết quả đó sẽ xuất hiện trong cửa sổ trình duyệt chính. Nếu không tìm thấy cái mình cần, bạn nhấn Next trong cửa sổ bên trái, sẽ thấy kết quả khai báo được từ CCTT thứ hai (AltaVista, HotBot, v.v...). Muốn nhanh hơn nữa, hãy gõ dấu chấm hỏi (?) vào hộp địa chỉ, liền sau đó là yêu cầu của bạn, chẳng hạn king arthur.

Navigator 4.5. Trong khi nghiên cứu một site, bạn có thể cần đọc kỹ hơn về một chủ đề nào đó. Cụm từ đơn "What’s related" (những gì liên quan) của Navigator 4.5 cho bạn nối kết tới các chủ đề tương tự. Chẳng hạn khi thăm ESPN.com, mệnh đơn này sẽ liệt kê các site liên quan đến thể thao. Nghe quen quá phải không? Tính năng này thật ra là phiên bản "tân trang" từ Alexa của chính Netscape mà thôi (Xem "Một số chương trình hỗ trợ khác").

Cũng như trong IE 5, bạn có thể gõ một dấu chấm hỏi vào thanh địa chỉ, liền sau đó là yêu cầu của bạn.

Các site mua hàng

Ngày xưa đi mua sắm, bạn phải rạc cẳng từ đầu đến cuối chợ để so đo giá cả, chất lượng và dịch vụ. Ngày nay bạn vẫn có thể thu thập được ngần ấy thông tin mà chẳng phải nhấc mình ra khỏi ghế, chỉ cần kiên nhẫn nhấn chuột một chút.

Thật may, các đại lý truy tìm" (search agent) có thể giúp tìm ra món hàng bạn cần và so sánh sản phẩm này với sản phẩm kia. Tuy nhiên, các CCTT phục vụ mua sắm này chẳng lấy gì làm hay lắm, trong phần lớn trường hợp, chúng chỉ cho phép bạn so sánh giá cả giữa một số ít nhà phân phối, CCTT và duyệt thì nghèo nàn, thông tin về từng sản phẩm chẳng đầy đủ. Hiện nay, chưa có CCTT nào giúp bạn tìm ra các sản phẩm được chào bán trên toàn bộ Internet. Nói thì nói vậy, nhưng các site mua hàng vẫn là nơi cần để mắt đến trước khi mua hàng. Hãy xem qua vài site trong số đó.

CompareNet mời bạn đối chiếu trực tiếp các sản phẩm truy tìm được từ Internet.

Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, hãy thử CompareNet (www.compare .net). Compare Tool (công cụ so sánh) của site này cho phép bạn lưu những nối kết tới các sản phẩm quan tâm, sau đó tạo bảng đối chiếu trực tiếp các sản phẩm đó và tính năng của chúng. Tiếc thay, do dùng quá nhiều frame nên bạn khó xem được các trang bookmark nằm trong site này và khiến cho CompareNet không thích hợp với một số trình duyệt.

Cả HotBot Shopping Directory (shop.hotbot.com) và WebMarket (www.webmarket.com) đều cho giao diện tương đối đơn giản giúp bạn duyệt catalog chào hàng trực tuyến của các nhà phân phối.

Shopping Channel của Excite (www.excite.com/shopping) cũng hoạt động tương tự, nhưng còn cho phép tìm và xem trước các sản phẩm theo nhiều tiêu chí. Yahoo Shopping (shopping.yahoo.co) thì cung cấp một catalog để từ đó có thể tìm hàng hóa theo nhiều tiêu chí khác nhau.

(trích theo VASC)

Close


Bạn tìm đến nhóm thiện nguyện VTT qua
www.tuoitre.org, tuoitre.org, www.tuoitre.de hoặc tuoitre.de.
Mọi ý kiến đóng góp xin bạn hãy liên lạc với chúng tôi qua lienlac@tuoitre.org.